Một mình vượt Đại Tây Dương về nhà

0
149
Sau 2 tháng không được cập cảng vì Covid-19, Crothers, mất một tay trái, đang chuẩn bị vượt biển 5.800 km trở về Ireland trước mùa bão tháng 6. 

Covid-19 khiến những người mê du lịch đường dài bằng thuyền ở các vùng biển khắp thế giới như bị bỏ mặc. Hiện có hàng trăm người như vậy đang chuẩn bị liều mình thực hiện chuyến vượt Đại Tây Dương về nhà trước khi mùa bão biển ập tới. Với hải trình đơn độc dài gần 5.800 km băng qua Đại Tây Dương đang chờ phía trước, Garry Crothers khá lo lắng. Tuy nhiên, ông vẫn phải di chuyển để kịp về nhà trước mùa bão biển. Crothers nói: “Tôi đang ở một tình thế rất tệ và không có lựa chọn nào khác”.

Như nhiều người đang sống trên thuyền nhỏ, nay đây mai đó chu du các vùng biển, Crothers rơi vào tình cảnh khó khăn ngay trên biển vì Covid-19 bùng phát khắp nơi. Ngườn đàn ông 64 tuổi người Ireland này cùng con thuyền Kind of Blue của mình đã hai tháng qua không được cập cảng. Ông phải thả neo ngoài khơi hòn đảo Sint Maarten ở vùng biển Caribbean.

Mùa bão biển sẽ chính thức bắt đầu ngày 1/6 tới và Crothers biết rõ rằng ông đang dừng ngay ở vùng dễ bị bão ập vào nhất. Năm 2019 nơi này đón bão Dorian và năm 2017 là bão Irma. Các quốc gia và đảo lân cận có khả năng bảo vệ người như Crothers đều đóng cửa vì Covid-19. Lựa chọn an toàn duy nhất của ông là đi thuyền một mình về Ireland.

Thực ra Crothers không hề đơn độc trong hải trình về nhà. Ước tính 500 con thuyền khác đều đang vượt Đại Tây Dương hướng về châu Âu vào các tuần tới. Từ nam Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương cũng có hàng nghìn người cố gắng lái thuyền về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn.

Trong khi các du thuyền và tàu hải quân đều bị cách ly và truyền thông đưa tin thì hàng trăm người sống trên các thuyền nhỏ lại không được chú ý nhiều. Vì các quốc gia đóng cửa biên giới nên vô số tàu thuyền bị từ chối cập cảng. Kể cả những con thuyền đã neo đậu an toàn trước đại dịch cũng bị coi là thuyền ngoại quốc đi vào lãnh hải.

Các gia đình có con nhỏ đều bị đe dọa bắt lại, tịch thu thuyền hoặc buộc kéo ra vùng biển khác. Hàng nghìn người không có chỗ đi và phải đương đầu với những hải trình rất nguy hiểm. Những người đi thuyền ở bờ biển Sri Lanka, Ấn Độ và khắp vùng vịnh Aden – nơi thường có cướp biển hoành hành cho tới bán đảo Sừng châu Phi đều cho biết, họ bị tàu hải quân, tàu tuần tra buộc rời khỏi đó. Nhiều người chịu giá cắt cổ để đổi lại được cung cấp nhu yếu phẩm. Daria Blackwell ở Câu lạc bộ du thuyền đại dương (OCC) cho biết, các hải trình nguy hiểm ngày một phổ biến. Một thuyền mới tới Nam Phi đã phải quay đầu đi và tiếp tục tới đảo St Helena cách gần 2.000 km đường biển, trong khi còn rất ít thực phẩm, nhiên liệu và nước.

Nơi duy nhất những người này hy vọng được cập bến và đảm bảo an toàn chính là quê hương của họ. Tuy nhiên điều đó dẫn tới một vấn đề rất lớn. Nhiều người không có cuộc sống dư dả vì thuyền cũng là nhà, họ không có dự tính gì cho một hải trình bất chợt và phải vượt mọi tình huống để trở về. Lệnh đóng cửa của các nước đồng nghĩa nguồn nhu yếu phẩm và dụng cụ an toàn đều khó tìm, lệnh hạn chế di chuyển cũng khiến nhiều người không thể kéo thêm bạn đồng hành. Hầu hết chính sách bảo hiểm có quy định số lượng thuyền viên vượt bão và không trả phí thiệt hại cho những thuyền bị bỏ lại trong vùng bão.

Giống những người khác, Crothers phải chọn hoặc vượt qua mùa bão hoặc băng qua đại dương một mình, đều không có gì đảm bảo an toàn. Ở Sint Maarten các cửa hàng thực phẩm chỉ vừa mới mở cửa trở lại. “Một điều khác làm tôi lo là thực hiện giãn cách xã hội khi lấy thực phẩm cho chuyến đi này. Tôi đang ở tuổi không thể chi trả được nếu nhiễm Covid-19 hoặc kể cả khi ốm giữa đường ở Đại Tây Dương”.

Một nhà hàng vốn rất nhộn nhịp ở Sint Maarten nay cũng trống vắng vì Covid-19.

Lúc khó khăn này các thủy thủ bắt đầu hỗ trợ lẫn nhau. OCC kết nối hơn 150 thuyền ở Tây Đại Tây Dương đang hướng về châu Âu, họ đang chia sẻ thông tin và đề nghị giúp đỡ nhau trên đường đi. Những thuyền đang rời Antiqua, Jamaica và Mexico đến Nga, Anh, Thụy Điển, Hy Lạp thì không lập đoàn. Số còn lại không vượt biển sẽ tự quyết định lộ trình.

Họ vẫn cùng nhau theo dõi hải trình để nếu có vấn đề xảy ra sẽ có thuyền tìm cách hỗ trợ. Ở nhóm đầu tiên di chuyển, hai thuyền có nhân viên cấp cứu và một bác sĩ phẫu thuật đề nghị hỗ trợ về y tế, một thuyền khác có thể giúp đỡ về nguồn nước. Crothers đã đăng ký vào nhóm. Ông có kinh nghiệm đi biển nhưng chưa từng vượt Đại Tây Dương một mình. Chuyến đi đơn độc dài nhất của ông là 5 ngày. Ở tất cả các chuyến đi, Crothers đều dùng một tay. Sau một tai nạn ôtô và nhiều năm chịu đau đớn, ông đã cắt cụt tay trái vào năm 2017. “Điều tôi lo nhất là chữa các thứ bằng một tay”, Crothers nói.

Đoạn đầu ông sẽ hướng về phía bắc, hướng mà nhiều người đã đi Bermuda. Một khi đi vào khu vực áp suất cao, ông phải đón gió tây và tiến chậm về quần đảo Azores. Từ đó Crothers đi về Bắc Ireland với thời gian dự kiến là hơn 3 tuần. Ông phải đi thuyền thật cẩn trọng. “Vì nếu đi quá sẽ có chuyện xấu. Một người bình thường đã khó đi rồi, nói gì tới người một tay”, ông nói.

Quần đảo Azores cách bờ biển Bồ Đào Nha gần 1.300 km, là mốc rất quan trọng đối với các thuyền đi biển từ đông sang tây. Các nước ở bờ tây Đại Tây Dương như Morocco, Senegal, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, đều có thuyền tìm đến trú ẩn. Blackwell cho hay: “Những người đang hoảng loạn ở các nước không đủ điều kiện y tế phải làm mọi thứ để bảo vệ bản thân”. Nhưng nhiều thủy thủ cho biết họ vẫn có thể thả neo ở Horta, một cảng của Azores, để có thể tiếp nước và nhiên liệu.

Tuy nhiên, được neo đậu không phải là tránh được thời tiết xấu hoặc được nghỉ ngơi, sửa chữa. Vì thế nhiều thủy thủ đã vận động hành lang với các chính phủ. Nhà báo và cũng là người đi biển Ole Sal đã làm việc với chính phủ Madeira, Azores, Bồ Đào Nha, Pháp và Tây Ban Nha, mong cung cấp chỗ trú an toàn. Rất ít cảng mở cửa sẽ làm tăng nguy cơ chết người hay hư hại tàu thuyền.

Peter Cafe Sport, một điểm cung cấp thực phẩm, thiết bị y tế cho các thuyền neo đậu ở cảng Horta.

Thảo Nhi (Tổng hợp)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây