“Vợ mình vất vả, con nhỏ, chăm con cả ngày. Nếu mình về mà nằm ưỡn ra cho vợ hầu nốt thì… cảm giác hơi hèn. Đã đi suốt ngày không giúp đỡ được gì nhiều rồi, mình mà hư nữa thì vợ còn đánh cả mình ấy chứ”, Hoàng Hiệp – HLV phó của đội Karate Quân đội nhân dân chia sẻ.
Cứ mỗi tối thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, phòng tập môn Karate tại trung tâm huấn luyện thể thao quân đội (phố Nguyễn Lân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại sáng đèn. Đó là lớp học Karate miễn phí dành cho tất cả mọi người (không phân biệt đối tượng, chỉ cần người đó có nhu cầu) của anh Nguyễn Hoàng Hiệp (SN 1989, Hà Nội).
Công việc chính của anh là HLV phó của đội Karate Quân đội nhân dân tại Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội. Hiện, Hoàng Hiệp đang đeo hàm đại úy.
Anh tham gia thi đấu bộ môn Karate chuyên nghiệp từ khá sớm. Năm 2005, Hoàng Hiệp thi đấu và giành Huy chương Vàng vô địch Quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp.
Trước bảng thành tích đồ sộ, Hoàng Hiệp tự nhận mình may mắn vì là con nhà nòi: “HLV trưởng đội tuyển Karate Quân đội hiện tại là cậu ruột của mình. Ngày xưa, mình thấy cậu đi dạy, đi tập thì mình cứ xách balo đi theo. Gia đình thấy có năng khiếu và mình cũng có niềm yêu thích nên mình cứ theo thôi, không phải đắn đo suy nghĩ gì nhiều”.
Hoàng Hiệp mới lập gia đình, vợ chồng anh đã có một bé trai 20 tháng tuổi. Hễ cứ nhắc đến vợ con, Hoàng Hiệp luôn nói mình quá bận và không thể dành nhiều thời gian cho gia đình.
Ngoài làm giờ hành chính, Hoàng Hiệp còn là một quân nhân nên công việc yêu cầu trực 3 buổi/tuần. Trước kia, khi còn trong đội tuyển Karate Quốc gia, trong phòng của anh luôn có một chiếc balo chuẩn bị đầy đủ quần áo, vật dụng để bất kỳ khi nào có người gọi đi thi đấu là có thể sẵn sàng lên đường.
Thời gian luôn gấp gáp và ít ỏi nên Hoàng Hiệp cảm thấy vô cùng may mắn vì có cô người yêu – giờ đây đã trở thành vợ – luôn sát cánh bên anh. Cả hai quen và yêu nhau từ năm 2011, đến năm 2018, cặp đôi về chung một nhà. Hiểu cho công việc của chồng nên chị Hải Hà – vợ anh Hiệp – luôn thông cảm mỗi khi chồng vắng nhà.
“Vào những ngày thường là Hai – Tư – Sáu – Chủ Nhật, sau giờ làm là mình sẽ về nhà ngay để đỡ việc nhà cho vợ. Ví dụ như đi chợ cùng, vợ nấu nướng thì mình rửa bát. Mình nghĩ đây chỉ là những việc rất nhỏ thôi, cũng không ai quy định đây là việc mà đàn ông hay phụ nữ “phải làm”. Nhưng nếu người chồng làm trong vui vẻ và không nghĩ đó là “trách nhiệm” thì người vợ nào cũng sẽ thấy được quan tâm, sẻ chia”, anh Hiệp tâm sự.
“Vợ mình cũng vất vả, con nhỏ, chăm con cả ngày. Nếu mình về mà nằm ưỡn ra cho vợ hầu nốt thì… cảm giác hơi hèn. Đã đi suốt ngày không giúp đỡ được gì nhiều rồi, mình mà hư nữa thì vợ còn đánh cả mình ấy chứ”, Hoàng Hiệp hài hước chia sẻ.
Tháng trước, vì dịch bệnh mà Hoàng Hiệp cũng không được về nhà trong vòng 1 tháng. Hai tuần đầu, mọi việc vẫn ổn, nhưng đến tuần thứ ba, vợ chồng không được gặp nhau lại chỉ nói chuyện qua tin nhắn, gọi điện mà dẫn đến hiểu lầm. Anh Hiệp bị vợ thẳng tay “block” Facebook, chặn điện thoại.
“Mình bị chặn hết xong nhớ vợ nhớ con mà chẳng biết làm thế nào. Đến ngày được về nhà, mình về thấy vợ đang nằm với con, vợ thấy mình về cũng mừng ra mặt xong trêu nhau vài câu lại làm lành như chưa hề có cãi vã. Bọn mình đôi khi có những mâu thuẫn cỏn con vậy thôi”, anh Hiệp chia sẻ.
Năm 2014, Hoàng Hiệp phải mổ chấn thương ở chân. Trong lúc rỗi rãi, Hoàng Hiệp cùng một số anh em thân thiết rủ nhau cùng luyện tập. Anh tâm sự, hồi ở đội tuyển quốc gia, anh không biết rõ cuộc sống bên ngoài như thế nào bởi ăn ngủ tập đều ở trên đó. Khi bắt đầu rời tuyển, anh chợt nhận ra không phải chỉ có một mình anh cần kỹ năng mà bất kỳ ai cũng cần phải có gì đó để có thể tự vệ, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe.
Lớp học này bắt đầu từ năm 2016, nhưng bị ngắt quãng khoảng nửa năm do vấn đề phòng tập. Từ cuối năm 2017 lớp hoạt động xuyên suốt đến nay. Hơn nửa lớp đều là những thành viên theo từ hồi đó đến giờ.
Lớp học của anh Hiệp hướng dẫn môn Karate full contact (hay còn gọi tắt là Kudo). Đây là 1 trường phái Karate tự do chứ không phải Karate sport thi đấu thể thao. Môn Kudo này bao gồm chỏ gối của Muay Thái, tay đấm của Boxing và Karate, các đòn vật khóa của Judo và Brazilian jiu jitsu. Môn này sẽ hoàn thiện hơn cho tất cả mọi người bởi có thể chống đỡ, đánh đấm hay vật nhau và dù trong bất kỳ trường hợp nào mình cũng có thể tự vệ được.
“Cho đến giờ thì ai muốn tới học thì đăng ký, mỗi người sẽ phải đóng một khoản phí như một cái quỹ sinh hoạt để duy trì điện nước, phòng tập. Khoản phí này chỉ vừa phải để mọi người có thể tập được. Mình hoàn toàn không thu về lợi nhuận gì cho riêng mình cả”, anh Hiệp chia sẻ.
Hiện lớp có khoảng 25-26 người, một tuần có 3 buổi là thứ Ba – Năm – Bảy. Lớp học gồm nhiều đối tượng, có những thành viên lớn tuổi đã đi làm, có những bạn học sinh cấp 2, cấp 3, và có cả một số bạn nữ cũng xin theo tập.
Lớp học này vô cùng đặc biệt bởi các thành viên coi nhau như anh em trong nhà. Đây còn là nơi để mọi người xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng.
“Thành viên ở đây đều là các anh đi làm, công an có, bác sĩ có,… Họ rất cần những nơi để tập xong rồi xuống ngồi uống với nhau vài chai bia. Lớp sẽ có 1 ngày off trong tháng. Ngày hôm đó mình sẽ tổ chức 1 buổi đấu giao lưu. Hôm ấy sẽ xin phép gia đình, vợ con làm 1 buổi thật “sâu”. Buổi hôm đó sẽ là buổi đấu kiểm tra cuối tháng để các thành viên biết tháng rồi mình đã tập tốt chưa”, anh Hiệp chia sẻ.
“Mình nghĩ mình sẽ không bao giờ rời khỏi lớp học này. Vì nếu mình rời bỏ nó thì mình sẽ có cảm giác giống như hồi mình rời đội tuyển quốc gia – sẽ rất hụt hẫng và rất nhớ. Nếu có ngày mình không tới đây nữa thì mình sẽ rất buồn, trống vắng. Thứ hai là công việc và gia đình vẫn đang ổn định, không việc gì mình phải từ bỏ một thú vui của mình cả. Lớp học này chính là một trong những niềm vui của mình trong cuộc sống. Mà mình nghĩ ai cũng phải có những thú vui như thế. Ở đây anh em cũng gắn bó, giúp đỡ nhau nhiều lắm”, anh Hiệp tâm sự.
Chưa bao giờ Hoàng Hiệp tự nhận là “thầy” ở lớp, anh đơn giản là một người hướng dẫn. Nhưng hằng năm, cứ vào ngày 20/11 là anh em trong lớp lại mua một cái bánh ngọt tặng cho “thầy” Hiệp rồi cùng nhau đi liên hoan.
“Không năm nào mọi người quên cả. Nghe thì hơi sến sẩm nhưng thực sự mình rất xúc động”, anh Hiệp tâm sự.
Hiện tại, Hoàng Hiệp còn mở thêm một phòng tập ở Long Biên dành cho đối tượng trẻ nhỏ từ 5 – 12 tuổi. Có khoảng 4 – 5 nhóc 5 tuổi. Lý do anh mở phòng tập này là để đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, đồng thời tìm nguồn vận động viên kế cận có đủ tố chất, tiềm năng để đào tạo cho đội tuyển quân đội.
“Phòng tập ở Long Biên như một cái vệ tinh để chúng mình tìm ra lứa vận động viên kế cận trong tương lai”, anh Hiệp chia sẻ.
Thảo Nhi (Tổng hợp)