Kinh doanh cùng mặt hàng, người ‘đắt như tôm tươi’, người khóc ròng điêu đứng

0
39

Không ít người “khóc dở mếu dở” vì kinh doanh ế ẩm. Dù rằng họ sử dụng nguyên xi thương hiệu sản phẩm cũng như cách vận hành từ người khác.
“Ế quá!”
Anh Nguyễn Thế Vũ (32 tuổi), chủ một quán kinh doanh rau má mix (kết hợp rau má với các loại thực phẩm khác) trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đã cảm thán đầy ngao ngán “ế quá!” khi nói về tình hình kinh doanh hiện tại.

Một năm trước, hai vợ chồng anh Vũ đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, để du lịch. Tình cờ biết đến một thương hiệu rau má mix nổi tiếng. Trải nghiệm sản phẩm thấy ngon, quan sát quán đông đúc khách, nên anh Vũ ngỏ lời với chủ quán được nhượng quyền thương hiệu với giá hơn 50 triệu đồng.

Sau đó, anh Vũ trở lại TP.HCM để thuê mặt bằng kinh doanh, thiết kế quán. Còn vợ anh Vũ phải ở lại TP.Nha Trang gần một tuần để được hướng dẫn chi tiết các công thức nước uống như: rau má kết hợp với sữa mè rang, sầu riêng, khoai môn, hạt sen…

“Nhưng khi quán mở ra, việc buôn bán khá èo uột. Có ngày chỉ bán được chưa đến chục ly. 6 tháng gần nhất, tiền thu vào chỉ bằng 1/5 chi phí”, anh Vũ rầu rĩ.

Trên các cộng đồng dành cho người trẻ mê kinh doanh cũng xuất hiện những câu chuyện tương tự. Không ít người lựa chọn kinh doanh nhượng quyền và chưa thấy thành công, chỉ nhận về thất bại.

Chị Hồ Thị Lệ Hòa (31 tuổi), chủ một cơ sở bán sữa chua trân châu trên đường An Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM, tâm sự rất buồn vì càng ngày càng ít khách.

Chị Hòa chi số tiền không nhỏ để có được thương hiệu và công thức làm sữa chua trân châu từ người khác. Chị cũng tìm kiếm trên mạng, thấy được nhiều cơ sở nhượng quyền từ thương hiệu này “ăn nên làm ra”, bán hàng “đắt như tôm tươi”. Tuy nhiên, đến khi bản thân trực tiếp kinh doanh thì… khóc ròng vì “lời đâu chẳng thấy, chỉ toàn lỗ”.

Gần hai tháng nay, Đặng Quốc Chiến (27 tuổi) đăng tải bài viết sang quán cà phê đang kinh doanh ở đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Quán này có tên của một thương hiệu cà phê khá nổi tiếng.

Chiến cho biết đã chi ra 80 triệu đồng để nhượng quyền thương hiệu. Đổi lại, Chiến nhận được máy pha và xay cà phê, xe đẩy, biển quảng cáo có in logo của thương hiệu đã nhượng quyền. Ngoài ra, còn được bên nhượng quyền tối ưu tiếp thị…

“Khi mới bắt đầu kinh doanh, tôi nghĩ rằng chỉ sau 3 tháng là lấy lại vốn. Tuy nhiên sau 3 năm, chỉ toàn thấy lỗ. Quá chán, tôi quyết định sang quán nhưng chưa được”, Chiến nói.

Một khảo sát nhỏ của người viết cho thấy, câu chuyện người trẻ kinh doanh nhượng quyền thương hiệu phổ biến trong nhiều năm qua. Người muốn khởi sự kinh doanh chi tiền để sở hữu quyền buôn bán hàng hóa bao gồm: thương hiệu, công nghệ, cách quản lý… của bên nhượng quyền.

Theo đó, có thể kinh doanh tại một hoặc nhiều địa điểm, trong thời gian nhất định hoặc lâu dài, chi phí phải trả dựa vào phần trăm lợi nhuận hoặc trả “một cục”…. tùy vào những thỏa thuận trong hợp đồng của hai bên.

Và hiện nay, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu không chỉ gói gọn trong lĩnh vực ăn uống mà “phủ sóng” ở khắp các lĩnh vực khác như: thời trang, làm đẹp, bán lẻ, giáo dục…

Kinh nghiệm để nâng cao khả năng thành công

Ông Hoàng Thanh Tùng, giảng viên Trường ĐH Tài chính – Kế toán (tỉnh Quảng Ngãi), cho rằng nhiều người trẻ tìm đến kinh doanh nhượng quyền thương hiệu để bắt đầu hành trình làm ăn vì nghĩ rằng cách này giúp việc buôn bán thuận lợi và dễ dàng phát triển.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người chưa thành công. Lý giải điều này, ông Tùng nói dù có nhượng quyền thương hiệu hay không thì cần phải trang bị những kiến thức cơ bản về kinh doanh, như: triển khai hoạt động buôn bán, marketing, quảng cáo, công nghệ, quản lý nguồn vốn… “Nếu chưa có kiến thức, hoặc chỉ biết sơ sơ, mù mờ thì không thể kinh doanh hiệu quả”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, việc sử dụng nguyên công thức sản phẩm, cách vận hành kinh doanh từ người khác không phải là “đũa thần” giúp hoạt động buôn bán tăng trưởng nhanh. Thay vào đó, người kinh doanh phải nghiên cứu và hiểu rõ bản chất ngành nghề đang làm cũng như sản phẩm sắp bán ra thị trường. Bên cạnh đó, cần lựa chọn thương hiệu phù hợp với khả năng tài chính, văn hóa nơi đặt điểm bán… để nhượng quyền kinh doanh. Ngoài ra, còn phải khảo sát kỹ hiệu quả kinh doanh của thương hiệu sắp đầu tư có lợi nhuận đáp ứng được mục tiêu của bản thân hay không? Chưa kể cần phải đào tạo nhân viên nắm bắt được cách thức vận hành của cửa hàng nhượng quyền để hoạt động một cách hiệu quả…

Ông Tùng giải thích thêm: “Những sản phẩm thức uống giải khát có thể hút khách ở TP.HCM vì phù hợp với thời tiết oi bức. Nhưng nếu đem các sản phẩm ấy bán ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Sapa (tỉnh Lào Cai), những nơi lạnh thì không thể được khách ưa chuộng. Hoặc nếu kinh doanh cá niên ngay tại tỉnh Quảng Ngãi, một trong những địa phương nổi tiếng về đặc sản này thì cơ hội thành công là rất thấp. Tương tự, có thể nhượng quyền thương hiệu để kinh doanh bò một nắng, mở quán ở TP.HCM, Vũng Tàu… chứ rất khó cạnh tranh nếu cũng mở tại tỉnh Gia Lai”.

Anh Phan Trung Hoàng (35 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh thương hiệu nhượng quyền về xôi ở đường Hồng Bàng, Q.5, chia sẻ kinh nghiệm: “Để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công, cần chọn lọc đối tác nhượng quyền phù hợp, uy tín. Luôn liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức kinh doanh. Cần trao đổi thường xuyên với các chủ đầu tư khác (cũng cùng kinh doanh thương hiệu nhượng quyền ở những nơi khác) để tích lũy kinh nghiệm. Khi gặp khó khăn cần nhờ sự hỗ trợ của đối tác nhượng quyền. Phải chọn địa điểm kinh doanh phù hợp, chứ không thể bán mặt hàng giá cả cao ở nơi dành cho người lao động có thu nhập thấp, sinh viên…”.

(Nguồn: Báo Thanh niên)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây