Từ con nhện sống trong chùa
Tương truyền rằng trên mái hiên của chùa Linh Ẩn (Trung Quốc), có một con nhện không biết đã giăng tơ đan mạng nhện mấy ngàn năm. Một hôm, Phật hỏi con nhện: “Đời người quý nhất là thứ gì?”
Con nhện liền đáp: “Là thứ chưa có được.”
Nghe vậy Phật liền nói: “Con hãy nghĩ thêm đi” rồi quay người bỏ đi.
Một ngàn năm nữa trôi qua, Phật lại hỏi con nhện: “Đời người quý nhất là thứ gì?” và câu trả lời của nó vẫn như năm xưa, chẳng có gì thay đổi.
Bỗng có một ngày, một cơn gió lớn bất ngờ xuất hiện thổi bay một viên trân châu rơi vào mạng nhện. Nhện nhìn thấy viên trân châu sáng lấp lánh thì thích lắm, ngày nào nó cũng ngắm nhìn vật thể mới lạ ấy và cảm thấy những ngày này thật sự là những ngày vui vẻ nhất.
Thế nhưng cho đến một hôm, một cơn gió lớn lại xuất hiện và thổi bay viên trân châu đi mất, con nhện buồn vô hạn.
Lúc này, Phật lại đến và hỏi: “Đời người quý nhất là thứ gì?”
Nhện đáp: “Là thứ chưa có được và thứ đã mất đi.”
Phật nói: “Đằng nào thì con cũng vẫn cho rằng thứ quý nhất trên đời là thứ chưa có được và thứ đã mất đi, vậy thì con hãy xuống nhân gian một chuyến!”
|
|
Cho đến một tiểu thư con quan danh giá
Và thế là nhện đầu thai vào một nhà làm quan, trở thành tiểu thư con nhà danh giá, bố mẹ đặt tên cho cô là Châu Nhi. Thoáng cái đã mười sáu năm trôi qua, Châu Nhi trở thành một thiếu nữ xinh đẹp nhu mì.
Năm đó, Hoàng thượng tổ chức tiệc ăn mừng cho kim khoa trạng nguyên Cam Lộ trong hậu hoa viên.
Cam Lộ ngồi trên bàn tiệc ngâm thơ, sự hào hoa toát ra từ chàng thư sinh này khiến các cô gái có mặt đều sinh lòng yêu mến, trong đó có cả tiểu công chúa được Hoàng thượng hết lòng yêu thương tên là Trường Phong.
Châu Nhi thì khác, cô vẫn ung dung như chẳng có chuyện gì xảy ra, bởi cô biết đây là sự sắp đặt của ông trời, rằng Cam Lộ sẽ là của cô.
Vài ngày sau, khi Châu Nhi cùng mẹ đi chùa dâng hương, vô tình cô gặp Cam Lộ cũng đưa mẹ anh đi chùa. Hai bà mẹ nhanh chóng bắt chuyện với nhau, Châu Nhi và Cam Lộ cũng vừa dạo quanh chùa vừa nói chuyện.
Trong lúc nói chuyện, Châu Nhi không cảm nhận được một chút nào về sự yêu mến mà Cam Lộ dành cho mình. Cô liền hỏi: “Lẽ nào công tử quên mất con nhện ở chùa Linh Ẩn 16 năm trước?”
Cam Lộ kinh ngạc nhìn Châu Nhi, nói: “Tiểu thư xinh đẹp, đáng yêu khiến người khác nhìn là mê đắm nhưng chớ nên tưởng tượng phong phú đến vậy.”
Nói xong, Cam Lộ đưa mẹ bỏ đi.
|
|
Châu Nhi cảm thấy khó hiểu, băn khoăn không biế tại sao ông trời lại sắp xếp mối nhân duyên này nhưng lại để người ta không nhớ nổi mình.
Vài ngày sau, Hoàng thượng đứng ra làm chủ, hứa gả Châu Nhi cho Chi Thảo Vương Tử. Châu Nhi vô cùng tuyệt vọng, cơm không thiết ăn, nước không thiết uống, người vì thế mà héo hon, gầy rộc, mất hết khát vọng về cuộc đời, muốn được trở lại cuộc sống trước kia.
Chi Thảo Vương Tử nghe nói vậy liền chạy đến cạnh giường của Châu Nhi nói: “Hôm ở trong hậu hoa viên, ta vừa nhìn thấy tiểu thư đã bị tiếng sét ái tình làm cho say đắm, ta khổ sở cầu cứu phụ hoàng mới có được cuộc hôn nhân này, nếu như tiểu thư chết, ta cũng không thể sống được.” Nói xong, Vương Tử rút kiếm toan tự tử.
Và đáp án cho câu hỏi “đời người thứ gì quý nhất?”
Khi đó, Phật lại xuất hiện và nói với Châu Nhi: “Hôm đó con đã nhìn thấy viên trân châu phải không? Con có từng nghĩ thứ gì đã mang nó đến trước mặt con không? Là gió. Viên trân châu đó chỉ xuất hiện trong cuộc đời con một lần rồi cuối cùng lại bị gió đem đi.
Cam Lộ cuối cùng thuộc về công chúa Trường Xuân, còn Chi Thảo chính là cây cỏ sống trong cửa chùa Linh Ẩn trong suốt ba nghìn năm.
Nó đã quan sát con ba nghìn năm, yêu con ba nghìn năm, thế nhưng từ trước đến giờ con chưa bao giờ cúi xuống nhìn nó một lần. Ta hỏi con lần nữa, đời người thứ gì là quý nhất?”
Châu Nhi như bừng tỉnh ngộ, trả lời: “Đời người quý nhất không phải là thứ chưa có được hay thứ đã mất đi mà là hạnh phúc mà mình đang nắm giữ.”
|
|
|
Phật nghe xong liền biến mất. Linh hồn của Châu Nhi cũng dần được khôi phục trở về với thể xác. Cô mở to mắt nhìn Chi Thảo Vương Tử đang muốn kết liễu cuộc đời, vội vã tìm cách tước thanh kiếm khỏi tay chàng hoàng tử và ôm Chi Thảo thật chặt. |