Chào chị, được biết chị là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, thạc sỹ giáo dục học, nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục và cơ duyên nào khiến chị chọn lĩnh vực trên để phát triển kiên định?
Có một câu nói mà tôi tâm đắc “Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới” của tổng thống Nam Phi Nelson Mandela; chưa nói đến những việc lớn lao như thay đổi thể giới, điều mà bản thân tôi luôn trăn trở là làm sao cho trẻ con được phát triển từng ngày từng giờ trên nền tảng những gì chúng đang có, là chính chúng. Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội và mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, người lớn chúng ta chỉ làm một việc duy nhất, đó là phát hiện ra tiềm năng của trẻ và giúp trẻ phát triển không sai hướng. Với những trăn trở đó, cộng thêm quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững nên 12 năm trước, tôi đã có một quyết định đúng đắn trong cuộc đời, đó là kinh doanh giáo dục.
Đối với người làm giáo dục, môi trường kinh doanh là một “lĩnh vực” rất khó khăn và gặp nhiều trở ngại vì không được đào tạo chuyên sâu, chị hãy chia sẻ những kỷ niệm ấn tượng về hành trình khởi nghiệp tạo ra “đứa con” Rồng Việt được không?
May mắn là từ khi bắt đầu làm việc cho đến khi khởi nghiệp thì tôi đã chọn lĩnh vực giáo dục là nơi dấn thân, vì vậy môi trường giáo dục thì không quá xa lạ với tôi. Tuy nhiên khó khăn vẫn có đầy đủ. Còn nhớ những năm cuối thập niên trước (2008-2010) khi giáo dục kỹ năng lúc đó chỉ được triển khai tại các trường quốc tế, trường dân lập và môn học đó được gắn mắc là môn “dành cho con nhà giàu”. Lúc đó tôi chỉ ao ước là môn học này phải đến với tất cả các em học sinh tại Việt Nam, không phân biệt vùng miền hay xuất thân xã hội, vì tôi hiểu những kết quả và giá trị mà môn kỹ năng sống sẽ mang lại cho các em. Thế là tôi và các cộng sự bắt tay xây những viên gạch đầu tiên về giáo dục kỹ năng sống.
Đứng vững và phát triển với số tuổi 11 năm, thương hiệu Rồng Việt đã khẳng định vị trí của mình trong việc giáo dục kỹ năng sống và phát triển ngôn ngữ cho trẻ, hiện nay cũng rất nhiều trung tâm mở ra về lĩnh vực này, trong vai trò của một người tiên phong chị đã những chiến lược, mục tiêu cụ thể như thế nào để giữ vững vị trí của mình?
Tôi nhìn nhận việc thị trường có nhiều đơn vị, trung tâm mở ra cùng lĩnh vực với mình như vậy là điều đáng mừng; mừng cho xã hội, mừng cho ngành. Bởi vì điều đó khẳng định rằng, toàn xã hội, mọi người đều hướng sự chú ý đến sự phát triển của con trẻ, cũng đồng nghĩa là nhiều người sẽ cùng mình hướng đến sự phát triển của trẻ con nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Cuộc đua có nhiều thí sinh tham gia nó sẽ khẳng định hai việc: một là ý nghĩa cuộc đua được xã hội quan tâm, hai là tạo nên sự canh tranh mà xã hội ngày càng phát triển thì chắc chắn rằng sự canh tranh sẽ mang tính văn minh. Và quan trọng nhất, sự đa dạng đơn vị như vậy sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội, trong đó có đối tượng thụ hưởng là trẻ em, học sinh.
Rồng Việt là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực và đào tạo thế nên, khách hàng của Rồng Việt không chỉ là PHHS hay các đối tác khác, với quan niệm, không thành công thì cũng thành nhân, tôi muốn nói đến sự phát triển bền vững.
Với mục tiêu xây dựng Trung tâm Rồng Việt khắp dải đất hình chữ S, chị kỳ vọng điều gì và mong ước gì đối với nền giáo dục nước nhà khi những tâm huyết của bản thân, của cộng sự và của đối tác dần tới đích thành công?
Xét ở góc độ vĩ mô, tôi chỉ mong các cơ quan chức năng đồng hành với chúng tôi vì cơ bản chúng tôi hoạt động dựa trên nguyên lý nền tảng là “định hướng giáo dục nhằm phát triển kỹ năng và định hướng nhân cách cho trẻ”. Chúng tôi rất vinh dự vì đã được các cơ quan từ Sở giáo dục & đào tạo các tỉnh thành, các thủ trưởng của những đơn vị trường học đánh giá cao những nỗ lực mà chúng tôi thực hiện được. Bên cạnh đó là sự ghi nhận công tâm với những kết quả mà từ phía PHHS và các em học sinh nói về chúng tôi, chúng tôi xem đó là động lực để ngày càng hoàn thiện, cải tiến để mang đến những chương trình độc đáo và mang lại nhiều giá trị hơn.